Cốt truyện Người_đua_diều

Phần 1

Wazir Akbar Khan neighborhood in Kabul, setting of Part I

Câu chuyện bắt đầu với hai cậu bé Amir và Hassan. Amir là một cậu trai giàu có người Pashtun, trong khi Hassan mang dòng máu Hazara. Bố cậu là Ali, người ở của bố Amir. Hai đứa trẻ dành cả ngày chơi đấu diều trong những ngõ ngách của thành phố Kabul thuở còn yên bình. Đấu diều là cách để hai đứa trẻ thoát khỏi thực tại khủng khiếp bủa vây lấy chúng. Hassan là một người "đua diều" tài giỏi, vì không cần dõi theo con diều thì cậu cũng có thể biết rõ nơi chúng sẽ rơi xuống. Cả hai có điểm chung là đều không có mẹ. Mẹ của Amir mất lúc sinh ra cậu, trong khi mẹ của Hassan, bà Sanaubar đã bỏ hai bố con Ali để chạy theo những thú vui hoan lạc. Bố của Amir là một thương nhân giàu có, người mà cậu thường trìu mến gọi bằng cái tên Baba. Ông dành tình thương cho cả Amir lẫn Hassan. Bất chấp sự khó chịu của đứa con trai, Baba vẫn luôn mua tặng Hassan những món quà tương tự như những thứ ông dành tặng con trai mình. Thậm chí, ông còn chi tiền để Hassan phẫu thuật chữa bệnh môi hẻ cho cậu. Trái với Hassan, Baba thường khá nghiêm khắc với Amir, đồng thời coi cậu là một kẻ nhu nhược, yếu đuối. Thậm chí, khi Amir phàn nàn về Hassan với Baba, ông thậm chí còn dọa sẽ trừng phạt cậu. Trong khi đó, Amir lại tìm thấy một hình tượng người cha đích thực nơi người cậu của mình, Rahim Khan. Ông là người hiểu và ủng hộ sở thích viết lách của cậu, bất chấp việc Baba coi đó là một thứ sở thích dành cho lũ đàn bà. Trong một khoảnh khắc hiếm hoi khi Amir ngồi trên lòng Baba, cậu đã hỏi ông lý do ông uống rượu, vì ở trường, cậu được các giáo sĩ giảng giải rằng đối với đạo Hồi, điều đó bị cấm. Ông tâm sự rằng bọn giáo sĩ là những kẻ đạo đức giả. Ông cũng nói với Amir rằng tội lỗi lớn nhất của loài người là ăn cắp, cũng như cho cậu biết trong cuộc sống, có nhiều dạng ăn cắp khác nhau.

Assef là một cậu bé ưa bạo lực, thường hay trêu chọc Amir vì cậu chơi thân với Hassan. Bởi lẽ, theo Assef, Hassan là người Hazara, một chủng tộc hạ đẳng thuộc về vùng núi Hazarajat. Assef mang nửa dòng máu Pashtun. Vì mẹ là người Đức nên Assef thừa hưởng nét đặc trưng tóc hung, mắt xanh. Một ngày nọ, Assef định tấn công Amir bằng nắm đấm thép không gỉ mà cậu luôn mang theo bên người. May mắn cho Amir là Hassan đã bảo vệ cậu, đồng thời dọa sẽ bắn mù mắt Assef bằng một chiếc ná cao su. Trước khi bỏ đi, Assef thề sẽ trả mối nhục này.

Mùa đông năm 1975, Amir giành chiến thắng trong cuộc thi đua diều tổ chức ở khu vực. Vì chiến thắng này, cậu nhận được sự tôn trọng rất lớn từ Baba. Hassan quyết định chạy đi lấy con diều bị đứt của kẻ thua cuộc về cho Amir. "Vì cậu, cả ngàn lần rồi", Hassan nói trước khi rời đi. Tuy nhiên, sau khi tìm được con diều, cậu bị Assef phục kích và yêu cầu giao con diều ra. Hassan không đồng ý và bị Assef đánh tơi tả rồi hiếp dâm. Amir đứng bên ngoài, chứng kiến toàn bộ cảnh tượng ấy nhưng vì sự nhút nhát của mình, cậu quyết định không can dự vào. Cậu cho rằng nếu không mang được con diều của kẻ thua cuộc về nhà, mức độ tự hào mà Baba dành cho cậu sẽ suy giảm. Hành động đó khiến Amir cảm thấy tội lỗi nhưng cảm giác hủy hoại những kỳ vọng mà Baba dành cho mình đã lấn át cảm giác đó của cậu, khiến cậu giữ yên lặng về vụ việc. Sau chuyện đó, Amir cố ý lánh mặt Hassan. Tội lỗi khiến cậu không muốn gặp mặt Hassan nữa. Từ đó, tinh thần và sức khỏe của Hassan bắt đầu trở nên xấu đi.

Một thời gian sau, Amir bắt đầu nghĩ đến việc đuổi Hassan đi để tâm hồn mình thanh thản hơn. Vì lẽ đó, cậu giở thủ đoạn bỏ chiếc đồng hồ, món quà nhân dịp sinh nhật của mình xuống dưới tấm đệm của Hassan, dụng ý bắt Baba phải đuổi cậu. Thay vì minh oan cho mình, lặng lẽ nhận lỗi trước Baba. Bất chấp Baba luôn có niềm tin rằng "không có hành động nào tồi bại hơn ăn cắp", nhưng ông lại tha lỗi cho Hassan. Sau đó, Ali và Hassan quyết định rời khỏi biệt thự của Baba, mặc kệ ông hết lời can ngăn. Bởi lẽ, Hassan đã kể cho Ali điều xảy ra với cậu. Việc Hassan rời đi khiến Amir được tự do, thoát khỏi những ám ảnh về sự phản bội và sự hèn nhát. Tuy nhiên, bóng tối về sự việc lần đó vẫn mãi đeo bám cậu cho đến những năm sau này.

Phần 2

Năm năm sau sự kiện năm 1975, quân đội Liên Xô tấn công Afghanistan. Baba và Amir phải bỏ chạy tới Peshawar, Pakistan rồi từ đó chuyển đến thành phố Fremont, bang California, Hoa Kỳ. Tại đó, hai bố con sống trong một căn hộ tồi tàn. Baba bắt đầu công việc làm thêm tại một trạm xăng, còn Amir thì đi học. Sau khi tốt nghiệp trung học, Amir đăng ký vào trường Đại học Công lập San Jose, chuyên ngành văn học, với mong muốn cải thiện khả năng viết lách. Mỗi chủ nhật, hai bố con kiếm thêm thu nhập bằng việc bán các món hàng tại khu chợ dành cho người Afghanistan ở San Jose. Tại đó, Amir gặp một cô gái tị nạn người Afghanistan tên là Soraya Taheri và gia đình cô. Không lâu sau đó, Baba được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Trong những ngày tháng cuối đời, ông kịp hoàn thành tâm nguyện cho cậu con trai khi hỏi cưới bố của Soraya. Hai người cưới nhau sau đó. Sau khi Baba mất. Amir và Soraya có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, bất chấp việc hai người không thể có con dù đã thử nhiều cách khác nhau.

Amir trở nên thành công với sự nghiệp là một tiểu thuyết gia. Mười lăm năm sau ngày hai vợ chồng Amir kết hôn, anh bất ngờ nhận được cuộc gọi từ người chú Rahim Khan năm nào. Bất chấp bệnh tật đang giết dần giết mòn mình, ông cũng muốn gặp lại Amir tại Peshawar. Ông nhủ thầm với người cháu: "Luôn có một con đường để tốt lành trở lại".

Phần 3

Thông qua người chú Rahim Khan, Amir được rằng cả Hassan lẫn Ali đều đã chết. Ali đã chết khi dẫm phải một quả mìn. Trong khi Hassan và vợ bị quân Taliban giết sau khi Hassan ngăn không cho chúng cướp ngôi nhà của Baba và Amir ở Kabul. Rahim Khan còn tiết lộ thêm rằng Ali bị vô sinh và do đó, ông không phải là cha ruột của Hassan. Có nghĩa, Hassan chính là con trai ngoài giá thú của Baba, là kết quả của mối tình vụng trộm giữa ông và Sanaubar. Điều này đồng nghĩa với việc Hassan là anh trai cùng cha khác mẹ của Amir. Cuối cùng, Khan tiết lộ với Amir rằng lý do ông gọi Amir đến Pakistan là để nhờ anh giải cứu Sohrab, đứa con trai duy nhất của Hassan từ một trại trẻ mồ côi ở Kabul. Cùng với Farid, một tay lái xe taxi người Afghanistan và cũng là cựu chiến binh trong cuộc chiến với Liên Xô, Amir đi tìm Sohrab. Họ nhanh chóng lần ra được có một tay quan chức Taliban thường xuyên đến trại trẻ mồ côi, mang theo tiền mặt và đem theo một cô gái đi cùng. Có một vài lần hắn còn đem theo một cậu bé, gần đây là Sohrab. Giám đốc trại trẻ mồ côi hướng dẫn cách liên lạc với tên quan chứa được chính thức. Bằng sự giúp đỡ của Farid, Amir quyết định đóng giả phóng viên và tiếp cận gã quan chức kia.

Amir gặp tay quan chức Taliban. Sau một lúc trò chuyện, hắn tiết lộ rằng bản thân chính là Assef. Còn Sohrab đang được giữ lại và xem như trai nhảy, mua vui cho hắn. Assef đồng ý thả Sohrab với điều kiện Amir có thể đánh thắng hắn trong cuộc chiến tay đôi. Vốn không phải là đối thủ của Assef, Amir bị hắn đánh gãy xương. Trong lúc nguy khốn, Sohrab rút súng cao su ra, bắn một viên bi bằng đồng vào mắt trái của Assef. Lúc Sohrab dìu Amir chạy ra khỏi căn nhà cũng là lúc chiếc xe của Farid chạy đến. Anh thiếp đi và tỉnh dậy trong một bệnh viện ở Pakistan nhiều ngày sau đó.

Amir nói với Sohrab về kế hoạch đưa cậu sang Mỹ và nhận nuôi cậu. Tuy nhiên, các nhà chức trách Hoa Kỳ yêu cầu phải có giấy tờ chứng minh rằng Sohrab là trẻ mồ côi thì cậu mới được cấp thị thực. Vì lẽ đó, Amir thuyết phục Sohrab nên quay trở lại trại mồ côi một thời gian ngắn vì họ đã gặp phải vấn đề trong quá trình nhận nuôi. Sohrab vì sợ hãi việc quay trở lại trại trẻ mồ côi nên đã cố gắng tự tử. Sau nhiều nỗ lực thì cuối cùng, Amir đã có thể đưa Sohrab sang Hoa Kỳ. Sau khi được nhận làm con nuôi, Sohrab thu mình lại, từ chối tiếp xúc với bất cứ ai, kể cả hai vợ chồng Amir. Thời gian từ từ trôi qua cho đến một ngày, Amir đưa Sohrab đi đấu diều. Anh gợi nhớ lại những mánh khóe mà Hassan từng thực hiện trước đây và dùng chúng để cắt đứt chiếc diều của đối thủ. Sau tất cả, Sohrab đã nở một nụ cười nhẹ, và Amir đã đón nhận nụ cười ấy bằng cả trái tim trước khi lao theo con diều đang rơi và tự nhủ: "Vì cháu, cả ngàn lần rồi".

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người_đua_diều http://www.bookbrowse.com/author_interviews/full/i... http://www.bookdrum.com/books/the-kite-runner/9780... http://www.ew.com/ew/article/0,,20165800,00.html http://www.ew.com/ew/article/0,,455344,00.html http://www.hindustantimes.com/Brunch/Brunch-Storie... http://khaledhosseini.com/ http://www.letstalkaboutbollywood.com/article-2802... http://www.lovelandmagazine.com/2013/06/khaled-hos... http://www.publishersweekly.com/978-1-57322-245-7 http://www.salon.com/2007/12/09/hosseini/